google-site-verification=IxfHNSwuGsDUR-hH4FPy5B6QshWvl-i-_FYFJYx42gw

Ông bà “ô-sin”

Mục lục nội dung

    Dãy trọ tôi sống toàn công nhân ở khu chế xuất Linh Trung. Cuộc sống công nhân từ sáng đến tối ở trong nhà máy, thế nên không ít cặp vợ chồng trẻ khi có con nhỏ phải nhờ đến ông bà nội, ngoại trông cháu. Bỗng dưng, những ông bà già thành “ô-sin” bất đắc dĩ.

    Phòng trọ công nhân cũng chỉ vỏn vẹn 12m2 nên trở nên ngột ngạt với những ông bà già quen sống ở quê. Ngày đầu lên trông cháu, bà Mai (gần 70 tuổi) nằng nặc đòi con trai đưa về quê. Không được con đáp ứng, tối nào bà cũng ra ngoài đường vì vào phòng trọ bà nói “không thở được”. Còn chị Linh gần phòng trọ tôi có mẹ chồng vào trông cháu giùm sau khi chị hết thời gian nghỉ sinh.  Bà mẹ chồng hơn 50 tuổi ngao ngán trước cảnh “phòng trọ gì mà bé hơn cái nhà bếp ở quê, lại chỉ có một cửa, tối ngủ cửa đóng  then cài… muốn ngộp thở ”. Vậy là sau một tuần bà cũng  rỉ rả đòi về khiến anh chồng chị Linh phải nghỉ làm để thu xếp đưa mẹ về. Bên nội không xuôi nên đành “a-lô” về bà ngoại, thương con thương cháu bà ngoại tay ôm túi xách vào. Mấy ngày đầu kịch bản “khó ở” cũng xảy ra nhưng bà ngoại dường như “biết chịu đựng” hơn nên ở lại cho đến giờ đã gần một năm. Ở riết rồi quen, như lời của bà nói.

    Chỉ riêng xóm trọ tôi có 22 phòng thì có  đến 10 bà vào trông cháu. Thế nên, sáng sáng mọi người lại thấy hình ảnh một dãy các bà bồng cháu ra “chào bố mẹ đi làm”, chiều bồng cháu ra “chờ bố mẹ về”. Nhưng cũng nhờ nhiều người đồng cảnh ngộ nên các bà cũng có bạn tâm sự đỡ buồn.

    Sống với người già như chị Linh nói phải “chiều” hết sức, bởi các cụ đang yên đang lành ở quê tự dưng lên thành phố nên dễ bị “sốc”. Từ không gian sống đến thói quen ăn uống, các cụ vẫn giữ nguyên nếp sống ở quê. Vào Sài Gòn nhiều bà vẫn thói quen ăn trầu, thế là con phải đi tìm mua. Ở quê  quen với nước sông, nước giếng lóng phèn, lên Sài Gòn nước lọc có mùi clo, các cụ nói khó chịu. Rồi thói quen uống nước chè, nấu cơm bếp củi… ôi thôi bao nhiêu chuyện.

    Trước nay vợ chồng đi làm ăn gặp chuyện không vui về nhà đá thúng đụng nia là bình thường. Nhưng bây giờ mang bực tức từ công ty về nhà lại vô tình làm tổn thương những người già. Đó là chưa nói đến  ngày đóng tiền phòng, mua sữa cho con… y như rằng các nhà bao giờ cũng có chuyện bởi ai cũng đồng lương ba cọc ba đồng.  Chị Linh kể, có lần lỡ nói lớn tiếng với chồng “tháng này hạn chế ăn đi,  tốn quá”. Không ngờ bà cụ nghe được, thế là bà… tủi thân nói “không nuôi được tao thì để tao về, tao ở lại ăn tốn cơm tụi bây”. Hai vợ chồng phải năn nỉ bà cụ mãi.

    Bà Hợi hơn 60 tuổi, quê Hà Tĩnh vào trông cháu đã hơn một năm tâm sự: “Thương con thương cháu mà vô chứ hay ho gì. Ruộng nhà chỉ mình ông làm, mồ mả ông bà cả năm không thắp được một nén nhang”. Bà nói đợi cháu đi học mẫu giáo là… về liền chứ không ở thành phố này nữa.